Các nội dung cơ bản trong chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá năm 2020

Các nội dung cơ bản trong chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá năm 2020

Thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá, thời gian vừa qua Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) đã tiến hành rà soát danh sách giảng viên và nội dung cập nhật kiến thức thẩm định giá hàng năm. Trên cơ sở đó, ngày 10 tháng 3 năm 2020 Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 2604/BTC-QLG yêu cầu các đơn vị, tổ chức bồi dưỡng cập nhật kiến thức về thẩm định giá năm 2020 với 04 nội dung cơ bản như sau:

Một là: cập nhật các quy định mới của pháp luật liên quan đến hoạt động thẩm định giá và hướng dẫn một số nội dung về lưu trữ hồ sơ thẩm định giá, chấm điểm đánh giá chất lượng dịch vụ thẩm định giá.

Nội dung cơ bản: Nghị định hợp nhất văn bản số 04/VBHN-BTC ngày 14/01/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá; Hướng dẫn doanh nghiệp thẩm định giá tự chấm điểm đánh giá chất lượng dịch vụ thẩm định giá theo Thông tư số 323/2016/TT-BTC ngày 16/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá và Thông tư số 25/2019/TT-BTC ngày 22/4/2019 sửa đổi bổ sung Thông tư số 323/2016/TT-BTC; Công văn số 703/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 14/02/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở; Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Thông tư số 09/2019/TT-BXD ngày 26 tháng 12 năm 2019 hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng v.v…

Chuyên đề này các thẩm định viên năm bắt được văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thẩm định giá mới được ban hành; lưu ý các doanh nghiệp về một số nội dung áp dụng Tiêu chuẩn thẩm định giá rút ra từ kết quả kiểm tra doanh nghiệp năm 2019; hướng dẫn các doanh nghiệp và thẩm định viên tự chấm điểm đánh giá chất lượng dịch vụ thẩm định giá theo đúng với quy định hiện hành, phản ánh đúng chất lượng các báo cáo và chứng thư thẩm định giá của doanh nghiệp.

Hai là: đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá và vận dụng trong các tình huống thực tế.

Nội dung cơ bản: khái quát về những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá. Các tình huống đạo đức và giải quyết tình huống trong thực tế hoạt động thẩm định giá.

Chuyên đề này nhằm hệ thống lại, phân tích những tình huống đạo đức và xử lý các tình huống đạo đức hành nghề trong thực tế hoạt động thẩm định giá ở Việt Nam hiện nay. Thiết lập thói quen tư duy giúp các thẩm định viên hành nghề nắm rõ và tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá.

Ba là: thu thập và phân tích thông tin trong thẩm định giá tài sản ở Việt Nam.

Nội dung cơ bản: cơ sở pháp lý về thu thập và phân tích thông tin trong hoạt động thẩm định giá tài sản ở Việt Nam. Các nguồn thông tin sử dụng trong thẩm định giá bất động sản, động sản, tài sản vô hình và xác định giá trị doanh nghiệp. Một số thông tin cơ bản cần thu thập khi thẩm định giá đối với các nhóm tài sản là bất động sản, động sản, xác định giá trị doanh nghiệp. Quy trình và phương pháp thu thập thông tin trong hoạt động thẩm định giá. Các nội dung cơ bản yêu cầu khi phân tích thông tin giá. Kỹ năng xây dựng các loại phiếu thu thập thông tin giá và lưu trữ bằng chứng thông tin thị trường. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin giá tại doanh nghiệp thẩm định giá.

Chuyên đề này nhằm giúp các thẩm định viên giải quyết vấn đề khó khăn về thông tin giá nói riêng và thông tin nói chung trong hoạt động thẩm định giá tài sản hiện nay. Đồng thời cung cấp cho các thẩm định viên các kỹ năng thu thập, phân tích thông tin tài sản, thông tin thị trường tuân thủ theo đúng hướng dẫn tại các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 01, 05, 06, 08, 09, 10, 11, 12, 13.

Bốn là: Tiêu chuẩn thẩm định giá ASEAN và một số kinh nghiệm quốc tế về thẩm định giá.

Nội dung cơ bản: Tiêu chuẩn thẩm định giá ASEAN và một số nội dung mới được trao đổi tại Hội nghị AVA năm 2019. Một số kinh nghiệm quốc tế về thẩm định giá từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Nhật Bản. Kinh nghiệm quốc tế về cách tính toán một số thông số, chỉ tiêu như tỷ suất chiết khấu,…

Chuyên đề này nhằm giới thiệu cho thẩm định viên về tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế, quy trình, phương pháp thẩm định giá, kỹ thuật tính toán, quản lý hành nghề của một số nước trên thế giới.

Thông qua nội dung cập nhật kiến thức năm 2020, các thẩm định viên về giá sẽ có thêm công cụ cả về lý luận và thực tiễn để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thẩm định giá tài sản ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Trả lời