Những vấn đề đương đại về kế toán, kiểm toán và tài chính doanh nghiệp trong nền kinh tế số

Những vấn đề đương đại về kế toán, kiểm toán và tài chính doanh nghiệp trong nền kinh tế số

(BKTO) – Đây là chủ đề của Hội thảo do Học viện Tài chính tổ chức chiều 13/12, tại Hà Nội với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý và chuyên gia kế toán, kiểm toán, tài chính.

PGS,TS. Nguyễn Trọng Cơ – Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: N.ly

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm thảo luận, chia sẻ và phát triển khung lý luận học thuật cũng như tạo cơ sở cho các giải pháp thực tiễn đối với từng đơn vị trong việc thích ứng và tận dụng cơ hội phát triển trong nền kinh tế số.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,TS. Nguyễn Trọng Cơ – Giám đốc Học viện Tài chính – cho biết: Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Trong đó, Văn kiện xác định mục tiêu kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP đến năm 2025 và 30% GDP đến năm 2030. 

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến mục tiêu và các giải pháp chủ yếu để thực hiện chuyển đổi số.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: N.Ly

PGS,TS. Nguyễn Trọng Cơ nhấn mạnh, kế toán, kiểm toán và tài chính là những lĩnh vực lõi trong chuyển đổi số toàn diện của các DN. Ứng dụng chuyển đổi số sẽ có tác động mạnh mẽ đến quy trình, phương pháp và chức năng, nhiệm vụ của kế toán, kiểm toán và tài chính trong các đơn vị, thể hiện trên một số góc độ chủ yếu như:

Internet vạn vật (IoT) giúp quy trình kế toán, kiểm toán, tài chính được thực hiện theo thời gian thực, giúp dữ liệu kế toán, tài chính được kết nối với nhau đảm bảo sự chính xác tuyệt đối và cập nhật thường xuyên.

Trí tuệ nhân tạo (AI) giúp giảm bớt công việc của người làm kế toán, tài chính. Nhiều giao dịch cơ bản, kỹ thuật nghiệp vụ diễn ra thường xuyên, liên tục đã được trí tuệ nhân tạo xử lý giúp con người nhằm rút ngắn thời gian và nâng cao năng suất nghề nghiệp.

Dữ liệu lớn (Big data) giúp sản phẩm của công tác kế toán, kiểm toán, tài chính được nâng cao chất lượng hơn nhiều so với trước đây. Các báo cáo tài chính, dữ liệu tài chính được tổng hợp, phân tích một cách khách quan hơn, cung cấp được nhiều thông tin đa chiều có giá trị hơn cho việc ra các quyết định của các chủ thể liên quan.

Điện toán đám mây (Cloud) giúp công việc kế toán, kiểm toán, quản trị tài chính có thể thực hiện ở mọi nơi. Vấn đề tổ chức kế toán, kiểm toán, quản trị tài chính trong DN trở lên linh hoạt hơn; Chuỗi khối (Blockchain) giúp công tác kế toán, kiểm toán của DN với các đối tác, bạn hàng, nhà đầu tư được nhanh chóng và bảo mật hơn.

Từ thực tiễn trên, Hội thảo khoa học “Những vấn đề đương đại về kế toán, kiểm toán và tài chính doanh nghiệp trong nền kinh tế số” sẽ là diễn đàn chuyên sâu dành cho các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, người làm công tác kế toán, kiểm toán và tài chính trao đổi các vấn mới phát sinh về lý luận và thực tiễn.

Với hơn 30 bài nghiên cứu đã được lựa chọn đăng trong kỷ yếu và gần 10 tham luận trình bày trực tiếp tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia đã thảo luận, chia sẻ và phát triển khung lý luận học thuật cũng như các giải pháp thực tiễn nhằm tận dụng cơ hội phát triển kế toán, kiểm toán trong nền kinh tế số hiện nay.

Hội thảo tập trung thảo luận các chủ đề: Khái niệm, vai trò, chức năng của kế toán, kiểm toán và tài chính của DN trong bối cảnh thực hiện nền kinh tế số; tác động của ứng dụng công nghệ số đến quy trình và phương pháp của kế toán, kiểm toán và các công cụ quản trị tài chính; ứng dụng các thành tựu công nghệ cao trong công tác kế toán, kiểm toán, tài chính;
Thực tiễn chuyển đổi số của các DN Việt Nam trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính; kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính của DN;
Tác động của phát triển kinh tế số đến yêu cầu đối với nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán và tài chính; đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy các ngành kế toán, tài chính đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số; cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo mới thuộc lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính.

THÙY LÊ/baokiemtoannhanuoc.vn

Trả lời